Nhà triệu phú Pháp gốc Việt Chuc Hoang.Dr |
Dành hẳn một trang báo lớn cho bài viết, phía trên là chân dung nhà triệu phú gốc Việt mới chụp ngày 25/06/2014 tại Paris, Le Monde nhận định trong nhiều thập kỷ qua, ông Chúc Hoàng vẫn ẩn mình phía sau một số công ty như Tổng công ty thương mại Phương Đông, MI29 hay Quỹ địa ốc Wilson, nên ít ai chú ý đến.
Nhưng trong những năm gần đây, ông đã mua cổ phần của một số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, như Bigben Interactive, chuyên phân phối các món phụ kiện dành cho game video. Thế là ông Chúc Hoàng « bị » tạp chí kinh doanh Challenges phát hiện, tính toán giá trị các cổ phiếu của ông và xếp ông vào danh sách 200 doanh nhân giàu nhất nước Pháp.
Theo Challenges, doanh nhân gốc Việt này đứng thứ 176 với khối tài sản được ước tính khoảng 290 triệu euro. Nhưng Le Figaro cho rằng trên thực tế còn cao hơn nhiều vì tất cả những gì ông sở hữu chưa được xác định hết. Nhất là nhà triệu phú kín đáo đang chuẩn bị một hoạt động OPA, thuật ngữ tài chính để chỉ việc trả giá thu mua cổ phiếu nhằm nắm toàn quyền kiểm soát một công ty. Đích nhắm là một cái tên gây chấn động : Công ty tháp Eiffel !
Được thành lập để khai thác ngôi tháp nổi tiếng thế giới, công ty tháp Eiffel trở thành một công ty địa ốc sở hữu nhiều diện tích văn phòng ở Paris và vùng phụ cận, nhưng hiện nay đang ngập trong nợ nần. Cuối năm 2012, ông Chúc Hoàng bắt đầu quan tâm đến công ty này, tham gia góp vốn vào năm 2013.
Nhưng hai nhà lãnh đạo công ty đã bán lại cổ phần cho ông không giữ lời hứa trước đó là dành hai chỗ trong ban quản lý. Bất mãn trước thái độ ấy, ông kiện hai cựu lãnh đạo vì tham ô, khẳng định họ đã thủ lợi quá đáng. Và khi công ty SMABTP muốn nắm đa số cổ phần công ty tháp Eiffel, ông phản đối hoạt động OPA này bằng cách đề nghị mua lại với giá 344 triệu euro. Thế là SMABTP đành phải nâng giá cổ phiếu muốn mua lại là 58 euro/cổ phiếu, tăng 21%.
Là cổ đông lớn nhất đang nắm 30% vốn, ông Chúc Hoàng có thể thu được món lợi nhuận dồi dào. Nhưng ông vẫn chưa hề cho biết có từ bỏ ý định mua lại công ty hay không, để các đối thủ hồi hộp đến giờ phút chót. Luật sư của ông cho biết , nhà triệu phú chơi thuần thục môn bài tẩy từ năm lên 10 tuổi rất thích phân tích chiến lược và chiến thuật. Một người bạn cũ nhận xét: « Ông luôn luôn lật đi lật lại các phương án, chọn lựa cách tốt nhất và giữ được cái đầu lạnh, không biểu lộ buồn vui. Đối với công ty tháp Eiffel, ông muốn là người thắng lợi dù chọn giải pháp nào đi nữa ».
Le Monde cho rằng « Nhà triệu phú tháp Eiffel » sẽ là một danh xưng vẻ vang cho con người sinh ra cách ra Paris hàng 10.000 km, cụ thể là ở Thái Bình, có cha là thẩm phán thời Đông Dương thuộc Pháp. Sang du học ở Paris từ tuổi thiếu niên, ông tốt nghiệp trường Bách Khoa nổi tiếng của Pháp năm 1969. Chúc Hoàng kể : « Vì tôi có khuôn mặt châu Á nên đôi khi bị gọi là ‘người Hoa’, nhưng tôi là người Pháp gốc Việt ». Được tặng thưởng Bắc đẩu Bội tinh, hiện ông là một trong những nhà tài trợ chính của trường Bách Khoa, và một quỹ học bổng dành cho sinh viên Việt Nam đang mang tên ông.
Tờ báo kể lại quá trình gầy dựng nên gia sản : ông lần lượt mua lại các công ty đang lỗ lã, đến khi các đơn vị này làm ăn khấm khá trở lại thì ông trở nên giàu có. Lúc Tổng thống cánh tả François Mitterrand được bầu lên năm 1981, Chúc Hoàng nói : « Cả đời tôi phải chạy trốn cộng sản. Lần này thì họ lại tóm được tôi, thế là hết ! ».
Ông bèn tìm cách bán đi những gì mình có, nhưng ông chỉ bán được một nửa tức nhượng lại quyền khai thác và vẫn sở hữu bất động sản. Thất bại này lại giúp ông giàu to, vì sau đó nếu giới chủ nước Pháp lao đao thì giá trị địa ốc lại tăng vùn vụt. Chúc Hoàng cười bảo: « Rốt cuộc, ông Mitterrand đã cứu tôi ».
Tàu do thám Nga dòm ngó vùng biển nước Pháp
Theo Le Figaro, đó là những người khách không mấy kín đáo và thật ra họ cũng chẳng thèm giấu diếm. Từ hôm 20/6, hai chiến hạm của Nga gồm một chiếc chuyên thu thập tin tức và tàu hộ tống, chiếc tàu chống tiềm thủy đĩnh Amiral Levchenko, đã hiện ngoài khơi Fos-sur-Mer, thuộc vùng Bouches-du-Rhône, cách duyên hải Pháp 18 hải lý. Do quy định lãnh hải quốc gia là 12 hải lý, sự hiện diện chưa từng có này không phải là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, việc hai chiến hạm Nga xuất hiện tại vùng biển cận kề Địa Trung Hải không thể không quan tâm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraina, với sự căng thẳng giữa hải quân Nga và phương Tây, mang ra đại dương làn gió của cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Một nguồn tin thông thạo nhận định : « Các chiến hạm này không hung hăng, nhưng cố tình phô trương. Rõ ràng Nga muốn gởi đến chúng ta một thông điệp, rằng họ cũng có thể làm những gì chúng ta làm được ».
Matxcơva trả đũa việc Pháp gởi đến Hắc Hải các tàu thám sát những hoạt động của Nga, phù hợp với Công ước quốc tế Montreux, cho phép các chiến hạm nước ngoài được triển khai tại vùng biển này trong thời gian không quá 21 ngày. Từ một, hai năm qua, hải quân Nga tăng cường hoạt động tại Địa Trung Hải. Còn hai chiếc tàu trên đây, theo Le Figaro, có thể đang theo dõi các tàu ngầm tấn công đậu ở căn cứ hải quân Toulon của Pháp, cách đó chỉ 75 hải lý.
Ai Cập : Nhà nước quân sự đi ngược lại Nhà nước pháp quyền
Nêu ra các bản án từ 7 đến 12 năm tù giam dành cho ba nhà báo của kênh truyền hình Al Jazira trong tuần này trong khi chẳng có chứng cớ nào rõ rệt, tờ báo cho rằng chính quyền Ai Cập trước hết muốn răn đe báo chí.
Bị bắt cách đây một năm, đó là những phóng viên kinh nghiệm : Peter Greste người Úc từng làm việc cho BBC, Mohamed Fahmy mang hai quốc tịch Canada và Ai Cập đã làm cho CNN và New York Times, Bahar Mohammed cộng tác với Asahi Shimbun của Nhật. Còn bốn sinh viên Ai Cập làm việc với họ bị phạt đến 7 năm tù giam. Mục tiêu thứ hai, theo Le Monde, là trả thù Qatar, vương quốc sở hữu kênh Al Jazira và tài trợ cho chính quyền Huynh đệ Hồi giáo trước đây.
Al Sissi đã thiết lập một chính quyền quân sự độc tài bên bờ sông Nil. Sự tùy tiện, hăm dọa, trấn áp đã trở thành chuyện thường ngày, nạn tra tấn quay trở lại, tư pháp nằm trong tay giới quân sự, các bản án tử hình được tuyên đến hàng trăm. Theo một tổ chức nhân quyền Ai Cập, hiện có 41.000 tù nhân chính trị, số khác cho rằng con số này là 16.000 người.
Mỹ-Iran : « Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta »
Iran là người bảo trợ chính quyền Bagdad và những thánh tích đạo Hồi Shia, mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông muốn trả đũa, còn Hoa Kỳ coi sự hiện diện của phe thánh chiến tại Cận Đông là mối đe dọa cho an ninh của mình. Mối nguy hiểm chung này cũng là mục tiêu chung của nước Cộng hòa Hồi giáo và « Đại Satan Mỹ ». Và vì EIIL cũng hoành hành tại Syria, nên hai cuộc nội chiến này cũng chỉ là một, mà một nhà báo Anh gọi là « Syrak ».
Viễn cảnh sự xích lại gần giữa Mỹ và Iran làm các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ tại Cận Đông lo ngại. Ả Rập Xê Út tố cáo Mỹ phản bội, còn Israel cho đây là vô trách nhiệm.
Suarez « nức tiếng giang hồ » vì đòn “cẩu xực”
Tờ báo nhắc lại, trước đây Suarez đã có hai nạn nhân. Một là cầu thủ Maroc Otman Bakkal, bị cắn vào cổ, người thứ hai là hậu vệ người Sec của đội Chelsea, Branislav Ivanovic, bị ngoạm vào bắp tay. Theo bác sĩ Thomas Fawcett, chuyên gia tâm lý thể thao : « Đây không phải là hành động có tính toán, mà là một sự đáp trả do xúc động nhất thời, không suy nghĩ. Hành động cắn người thường là dấu hiệu của sự bất mãn, một cách trả lời tiêu cực khi căng thẳng lên đến cao độ ».
Không chỉ có chiêu « cẩu xực », mà Suarez cũng đã từng sử dụng « đôi bàn tay thần thánh » như Maradona, để chận đường bóng của đối thủ, khiến sau đó Uruguay thắng Ghana qua đá phạt đền trong trận tứ kết World Cup 2010, và Luis Suarez sau đó trở thành cầu thủ bị ghét nhất tại châu Phi. Lúc ở tuổi thiếu niên, anh chàng từng húc đầu vào bụng trong tài, sưu tập được nhiều thẻ vàng cùng với các bàn thắng ; và sau này đi đá các nơi cũng từng đánh nhau với huấn luyện viên và đồng đội. Nhưng chàng « bad boy » này cũng là tác giả nhiều cú ghi bàn đẹp, gây áp lực thường xuyên lên các hậu vệ đối thủ, nên việc Suarez bị kỷ luật sẽ là thiệt hại vô cùng lớn cho Uruguay.