Tượng đài Bác Hồ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - TPHCM |
Xây để làm gì và xây trong lúc này có thích hợp?
Theo như mục đích của đề án thì xây tượng đài để thể hiện tình cảm biết ơn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ngoài ra, nó còn là điểm nhấn văn hóa của cả tỉnh Sơn La và góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng để Sơn La có thể lên đô thị loại 2 phù hợp với Chương trình phát triển đô thị.
Dựa vào mục đích của dự án, không có gì chúng ta phải phản đối cả. Việc đồng bào Tây Bắc thể hiện tình cảm biết ơn với Bác là đương nhiên, và bất cứ nơi nào cũng cần một điểm nhấn văn hóa. Nhưng tôi không nghĩ việc một tỉnh thuộc dạng nghèo nhất cả nước, vung một lúc 1.400 tỉ để xây cả một cụm công trình như vậy là thích hợp.
Không ai cấm một người bán vé số bước vào tiệm và gọi tô phở bò Kobe có giá bằng 1/3 thu nhập của mình, nhưng ai cũng biết là không nên làm vậy. Tại sao lại có sự phản đối lớn khi xây công trình này? Vì đây không phải là công trình nhằm phát triển kinh tế, nó là công trình văn hóa mà tính hiệu quả lại không có gì đảm bảo.
Đối với người dân, cái lợi ích thiết thực và cụ thể luôn là điều họ quan tâm. Khó mà ép họ bụng đói ngồi ngắm tượng. Mặc dù vậy, công trình văn hóa luôn có ý nghĩa nhất định, nếu chỉ chăm chăm vào phục vụ kinh tế thì chúng ta sẽ không có những Paris, Venice, Roma … những nơi được nhớ đến bởi những điểm nhấn về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc. Và không nói đâu xa, ngay cả lăng Bác Hồ ở Hà Nội cũng là một trong những điểm đến quan trọng của thành phố.
Hiệu quả đến đâu?
Đầu tiên, hãy nói đến mặt tích cực nếu như dự án được triển khai. Đầu tư công luôn là đòn bẩy kích thích kinh tế khá hữu hiệu. 1.400 tỉ không phải là con số nhỏ và nó sẽ là động lực để phát triển nhiều thứ. Chỉ riêng vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng cũng giúp cho khá nhiều người có được khoản tiền không nhỏ. Trong quá trình xây dựng cũng sẽ kéo theo nhiều ngành khác tại địa phương có cơ hội phát triển như xây dựng, chế tạo, dịch vụ tại chỗ…
Nhưng sau đó thì sao? Việc khai thác sử dụng cả công trình có mang lại hiệu quả thiết thực hay không? Cụm công trình sẽ trở thành điểm đến ưa thích của người dân địa phương và cả vùng Tây Bắc? Tôi không nghĩ vậy, vì rất nhiều những công trình văn hóa trên khắp cả nước đang bỏ không, từ bảo tàng đến di tích. Vậy công trình này có gì khác biệt, có gì độc đáo hơn những nơi khác mà không phải chịu chung số phận như những bảo tàng di tích kia?
Tôi ở Phan Thiết, và ở đó có khu di tích Dục Thanh, cũng là một di tích quan trọng khi Bác Hồ đã dạy học ở đây trước khi bôn ba nước ngoài. Sau khi được đầu tư xây dựng mở rộng ra hơn nữa với mức đầu tư lớn nhưng thực tế nó vẫn không thu hút người dân địa phương và khách du lịch. Ngay nhiều người dân Phan Thiết nhiều năm trời cũng chưa từng vào thăm.
Cụm công trình quảng trường và tượng đài không giống như là công viên hay điểm vui chơi giải trí công cộng. Nếu như không có gì đặc biệt thì cái quảng trường 20.000 người kia sẽ không bao giờ có đủ lượng người đông như thế. Chúng ta có thể nghĩ đến chuyện sẽ có rất đông người đến quảng trường vào mỗi ngày và sẽ có nhiều dịch vụ ăn uống buôn bán kèm theo nhưng đó là một dự tính rất xa vời và thiếu thiết thực khi ở đó chỉ có mỗi tượng Bác Hồ cho người dân ngồi ngắm.
Và câu chuyện niềm tin
Báo chí đưa tin và xoáy sâu vào chuyện xây tượng hết 1.400 tỉ, trong khi thực tế xây tượng Bác Hồ không nhiều như thế mà bao gồm cả cụm công trình với nhiều hạng mục khác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn bật dậy phản ứng ngay do đã quá mất niềm tin vào những công trình lớn như thế này.
Không ít người phản đối vì lo sợ tham nhũng, thất thoát trong đầu tư xây dựng. Và chất lượng công trình cũng là một điều khiến người dân băn khoăn, như tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam khánh thành chưa lâu đã có dấu hiệu nứt hỏng. Khi niềm tin đã mất thì làm gì cũng khó.
Xây một công trình văn hóa là chuyện tốt, nhưng xây như thế nào là đủ, là đáng, là đẹp, là hợp lý thì cần phải suy xét. Không ai phản đối chuyện đồng bào Tây Bắc nhớ ơn Bác Hồ, nhưng phải “liệu cơm gắp mắm”. Nên chăng, cần tính toán đầu tư vừa phải, vừa đảm bảo được hiệu quả trong xây dựng, vừa đảm bảo tính nghệ thuật, đảm bảo hiệu quả lâu dài. Và cũng cần nhớ, ai trong tim mình cũng đã có một tượng đài về Bác cả rồi.
(Theo Báo Thanh Niên)