(IkingExpress) - Hình thức sáng sủa là lợi thế trong đời, nhưng các nhà tâm lý học nói rằng người đẹp lại bị những cạm bẫy không ngờ.
Nếu bạn quá đẹp thì sao? Chắc đó không phải là điều khiến ta phải nghĩ ngợi nhiều, bởi hầu như ai cũng ước mơ được vậy.
Thế nhưng chuyện có nhan sắc hay không đã là điều lâu nay có tác động mạnh về mặt tâm lý. Những người được trời phú cho thân hình cân đối và vẻ đẹp choáng lộng có được thiên hạ mê mẩn thán phục không, hay liệu có khi nào họ phải trả giá vì điều đó?
Sau nhiều thập niên tìm hiểu, các nhà tâm lý học xã hội Lisa Slattery Walker và Tonya Frevert ở Trường Đại Học Bắc Carolina tại Charlotte đã xem xét tất cả các bằng chứng thu được cho đến nay; những kết luận của họ có lẽ khác xa với những gì bạn nghĩ.
Có thể nói một cách chung nhất là nhan sắc tạo ra một vầng hào quang xung quanh; chúng ta thấy ai đó có một đặc tính tốt, và theo lẽ tự nhiên, ta sẽ tự bảo mình rằng họ cũng tốt ở cả những mặt khác nữa. “Đó là một trong số nhiều đặc điểm con người mà ta có thể nhận biết rất sớm khi giao tiếp,” bà Walker nói vậy.
Đối với các nhà tâm lý học, điều này được gọi là phương pháp rút kinh nghiệm “cái gì đẹp là tốt”, nhưng những người hâm mộ chương trình truyền hình nhiều tập 30 Rock lại coi nó là “ảo tưởng”.
Nhân vật Jon Hamm rõ ràng là bất tài, ấy thế mà vẫn sống trong sự ảo tưởng sung sướng nhờ vào vẻ bảnh trai. Thí dụ, là một bác sỹ mà thậm chí anh ta không thể thực hiện nổi thao tác hô hấp nhân tạo, nhưng rốt cuộc vẫn xoay sở để tốt nghiệp được trường y nhờ có duyên.
Theo những bằng chứng có được, tình trạng ảo tưởng là một thực tế.
Trong lĩnh vực giáo dục, Walker và Frevert qua rất nhiều nghiên cứu đã rút ra rằng những cô cậu học sinh, sinh viên nào trông sáng sủa hơn thường được giáo viên đánh giá là có năng lực hơn và thông minh hơn, và thường được cho điểm cao hơn.
Hơn thế nữa, sự ảo tưởng lại gia tăng theo thời gian. “Đã có hiệu ứng tích lũy,” Frevert giải thích. “Bạn trở nên tự tin hơn, lạc quan hơn và có nhiều cơ hội để chứng minh năng lực mình.”
Tại nơi làm việc, gương mặt bạn rất có thể là một gia tài đáng giá. Nếu xét mọi khía cạnh, ta thấy những người trông quyến rũ thường kiếm được nhiều tiền hơn và thăng tiến cao hơn trong công ty so với những người kém bắt mắt hơn.
Một nghiên cứu của sinh viên MBA cho thấy chênh lệch thu nhập giữa người có trông hấp dẫn nhất với người có hình thức khiêm tốn nhất là khoảng 10 đến 15%, tức là khoảng 230.000 USD trong một đời người. “Bạn được ban tặng ưu thế suốt cuộc đời, từ lúc còn đi học cho đến khi đi làm,” Walker nói.
Thậm chí ở tòa án, một vẻ mặt ưa nhìn cũng có thể tạo ra phép mầu. Các bị cáo có gương mặt quyến rũ dễ nhận được bản án nương tay hơn, hoặc thậm chí thoát tội hoàn toàn; Các nguyên đơn có hình thức hấp dẫn dễ thắng kiện hơn và nhận được khoản tiền phân xử nhiều hơn. “Nó là một hiệu ứng lan tỏa rất mạnh,” Walker nói.
Nhưng nếu như sắc đẹp có tác dụng tích cực trong hầu hết các trường hợp, lại có những tình huống nó gây tác động xấu.
Thí dụ trong khi đàn ông đẹp trai có thể được coi là những nhà lãnh đạo giỏi hơn thì người ta lại có thành kiến ngầm về giới tính với phụ nữ có nhan sắc, khiến họ ít được chọn vào các công việc cấp bậc cao đòi hỏi uy quyền. (Nếu bạn muốn Hollywood chứng minh thực tế này, Frevert và Walker nói bạn chỉ cần xem phim Legally Blonde do Reese Witherspoon thủ vai là biết liền.)
Chắc bạn cũng nhận thấy là những người trông ưa nhìn dù là đàn ông hay đàn bà đều hay bị người khác ghen tị. Một nghiên cứu cho thấy trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, người phỏng vấn sẽ ngại nhận vào làm những ai cùng giới tính với mình nhưng trông lại hấp dẫn hơn.
Đáng lo ngại hơn, những người xinh gái hoặc đẹp trai có thể lại lâm vào thế bất lợi hơn khi cần được chăm sóc y tế. Người ta thường hay cho rằng đẹp tức là khỏe mạnh, nghĩa là sự đau ốm đối với người có nhan sắc lại không được xem là chuyện lớn. Thí dụ khi điều trị giảm đau thì bác sỹ thường chăm sóc sơ sài hơn đối với những ai trông dễ coi.
Sắc đẹp có thể cũng khiến cho bạn trở nên cô đơn. Một nghiên cứu vào năm 1975 cho thấy người ta thường muốn tránh né những phụ nữ đẹp trên lối đi và giữ khoảng cách khi giao tiếp, tuy đó cũng có thể là cách họ tỏ ý tôn trọng. “Sự quyến rũ có thể đem đến cho bạn uy quyền đối với những người xung quanh, nhưng mặt khác nó lại làm cho người ta thấy bạn khó gần,” Frevert nói.
Khá thú vị là trang mạng hẹn hò tìm người yêu OKCupid gần đây cho hay những người có ảnh đẹp, hoàn hảo lại khó tìm bạn hơn những người để ảnh nghịch ngợm, kém hoàn thiện hơn, có lẽ cũng vì điều đó khiến cho đối tượng của cuộc hẹn gặp sắp tới cảm thấy bớt lo lắng, căng thẳng hơn.
Do vậy, như bạn có thể đoán ra, sắc đẹp tuy là một lợi thế nhưng không phải là tấm hộ chiếu luôn đưa bạn đến hạnh phúc.
Frevert và Walker nhấn mạnh rằng cũng giống như những quan niệm của chúng ta về sắc đẹp, những ảnh hưởng của nhan sắc chỉ nằm thoáng qua bề nổi chứ hoàn toàn không phải bắt rễ sâu trong tâm lý chúng ta như cách nghĩ của một số người.
Xét ra thì đó chỉ là một cách nhận thức, đánh giá nhanh về con người. "Và cũng giống như nhiều cách làm nhanh khác ta hay dùng, cách này không đáng tin cậy cho lắm," Frevert nói.
Cuối cùng, bà Frevert chỉ ra rằng việc chú trọng quá nặng tới hình thức bề ngoài có khi lại gây bất lợi, bởi nó có thể tạo tâm lý căng thẳng lo lắng không đáng có, ngay cả đối với những người đã đẹp sẵn rồi.
“Nếu bạn bị ám ảnh về sự hấp dẫn của mình thì nó có thể làm lệch lạc kinh nghiệm và sự giao tiếp của bạn,” bà nói. Có thể nói theo kiểu cổ là đẹp mấy cũng không lại được nếu xấu tính. Như nhà văn Dorothy Parker đã nói rất tao nhã là “Sắc đẹp chỉ có chiều dày bằng một lớp da, nhưng cái xấu thì đi tới tận xương.”Hay nói theo cách ở Việt Nam là "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn".
(Hoa Đỗ - Tổng Hợp)
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)