3 Bóng Đen Phủ Lên Kinh Tế Thế Giới

(IkingExpress) - Rủi ro chính trị là thách thức lớn nhất mà kinh tế thế giới phải đối mặt tại thời điểm hiện nay trong khi đà tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế Mỹ và Trung Quốc giảm tốc.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế thế giới đang gặp phải “luồng gió ngược,” khiến xu thế phát triển 6 tháng cuối năm nay không cho phép lạc quan.

Rủi ro địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông


Cuộc khủng hoảng Ukraine đã lan rộng thêm khi chuyến bay MH17 của Malaysia gặp nạn trên khu vực lãnh thổ do những người ly khai kiểm soát tại đông Ukraine, làm toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây mà. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cố tình tấn công toàn diện mạch máu kinh tế của Nga từ năng lượng, quân sự đến tài chính, khiến Moskva kiên quyết đáp trả bằng những biện pháp không nương tay. Việc Nga cấm nhập khẩu nông sản từ EU đã khiến người châu Âu phải hứng chịu hậu quả đau khổ từ biện pháp chống trừng phạt này.


Khủng hoảng chính trị Ukraine
Khủng hoảng chính trị Ukraine

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Nga có thể sẽ phải chứng kiến nền kinh tế nước mình rơi vào suy thoái trong năm nay, sau khi mục tiêu chính của các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ và EU.

Do đó, IMF đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng của Nga từ 1,1% xuống chỉ còn 0,2%, do “hoạt động tại Nga đã giảm tốc mạnh do căng thẳng địa chính trị tiếp tục làm lực cầu suy yếu”.

Người phát ngôn của IMF William Murray còn cảnh báo các lệnh cấm vận có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương mại trong khu vực, “đặc biệt là tại khu vực Đông Âu, Trung Âu và Trung Á”.


Bất ổn chính trị tại Trung Đông
Bất ổn chính trị tại Trung Đông

Bên cạnh đó, Trung Đông đã bước vào thời kỳ cực kỳ rối loạn. Palestine và Israel vẫn chưa đạt hiệp định ngừng bắn lâu dài. Tại Iraq, các nhà quan sát không thể dự đoán liệu những cuộc không kích của Mỹ có loại trừ được tận gốc các nhóm vũ trang cực đoan hay không.

Các nhà máy sản xuất dầu thô lớn tại Iraq đang bị các phần tử Hồi giáo bao vây, trong khi các cuộc giao tranh dữ dội giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza vẫn kéo dài.

Tăng trưởng khiêm tốn của các đầu tàu kinh tế thế giới


Theo thống kê mới đây của EU, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng euro quý 2/2014 không tăng trưởng so với quý trước. Trong khi đó, kinh tế tại 28 quốc gia trong Liên hiệp châu Âu (EU) tăng trưởng 0,1% so với quý trước.

Trước đó quý I/2014, GDP của khu vực Eurozone tăng trưởng tới 0,2% và GDP của EU tăng tới 0,3%. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP trong quý II/2014 của Eurozone và EU tăng lần lượt là 0,7% và 1,2%.


Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm
Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm

Trong số các quốc gia công bố số liệu kinh tế quý II/2014, ba nền kinh tế hàng đầu khu vực Eurozone lần lượt là Đức, Pháp, Italy đều chứng kiến sự suy giảm và đình trệ, trong đó kinh tế Đức và Italy suy giảm 0,2%, kinh tế Pháp tăng trưởng 0%.

Tại châu Á, nền kinh tế Nhật Bản được đánh giá tốt đã xuất hiện cú “nhào lộn” với tăng trưởng GDP quý 2/2014 giảm 6,8%, mức giảm lớn nhất kể từ sau trận động đất-sóng thần năm 2011.

Nguyên nhân một phần do Nhật Bản áp dụng mức thuế tiêu thụ mới cao hơn trước từ ngày 1/4 và có những điều chỉnh giá cả không hợp lý.

Ngoài ra, tổng giá trị tiêu thụ hàng hóa giảm cũng là nguyên nhân kéo GDP của Nhật Bản giảm sâu trong quý 2.

Theo thống kê, tiêu thụ hàng hóa là hợp phần lớn nhất trong GDP của Nhật Bản, chiếm tỷ lệ tới 60%. Tuy nhiên trong quý 2, tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ giảm ròng 5% so với quý trước và giảm 8% nếu tính cả trượt giá hàng hóa. Xu hướng này trái ngược với mức tăng 2% đạt được trong quý đầu năm nay.

Tương tự đối với kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã bị IMF điều chỉnh giảm từ 7,6% xuống còn 7,4%. IMF cho rằng “tại Trung Quốc, nhu cầu nội địa đã giảm mạnh hơn kỳ vọng".

Trong số các nền kinh tế phát triển, Mỹ vẫn giữ đà khá mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sự ôn hòa bề ngoài của nền kinh tế lớn nhất thế giới này không thể che đậy vấn đề đằng sau. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây thừa nhận tình hình phục hồi của Mỹ và toàn cầu “khiến người ta thất vọng,” đồng thời báo hiệu sự tổn thương lâu dài. Đó cũng chính là lý do khiến Fed "dùng dằng" mãi không chịu thay đổi mức lãi suất hiện tại mà chỉ chờ "tín hiệu tích cực từ thị trường lao động Mỹ".

Đại dịch Ebola


Sự hoành hành của virus Ebola ở Tây Phi đã phủ bóng đen mới lên nền kinh tế toàn cầu.

Theo WHO, tính đến ngày 20/8 đã có tổng số 2.473 ca nhiễm bệnh và 1.350 người tử vong, trong đó riêng Liberia đã có 972 người nhiễm bệnh và 576 người tử vong.


Sự bùng nổ của dịch Ebola toàn cầu
Sự bùng nổ của dịch Ebola toàn cầu

Việc kiểm soát căn bệnh đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người này đã trở thành tiêu điểm quan tâm của cả thế giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh biến thành nỗi hoảng sợ trên toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới.

(Góc Nhìn_IkingExpress)

Ads By Kclick

0 Thêm Bình Luận " 3 Bóng Đen Phủ Lên Kinh Tế Thế Giới "

Post a Comment

Ads By Kclick Ads By Kclick