Ngày Mai (19.01) Giá Xăng Dầu Sẽ Giảm Bao Nhiêu

IkingExpress - Mức giảm giá xăng dầu dự kiến vào ngày mai (19.1 - theo đúng chu kỳ 15 ngày điều chỉnh) có nhiều hơn so với kỳ điều hành trước, trong bối cảnh giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục giảm mạnh?

Giảm mạnh hơn… 50-100 đồng/lít?


Trao đổi với phóng viên chiều 17.1, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phía Nam cho biết, giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh kể từ lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước lần đầu tiên trong năm 2016 (hôm 4.1) đến nay. Ước tính của doanh nghiệp này, để tương ứng với mức giảm của giá thế giới, giá xăng trong nước có thể được các cơ quan chức năng tính toán điều chỉnh giảm trên dưới 500 đồng/lít, giảm nhiều hơn 50-100 đồng/lít so với kỳ điều hành trước và giá dầu giảm trên dưới 800 đồng/lít, cũng giảm hơn kỳ trước vài chục đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm giá xăng dầu này vẫn có cơ hội được điều chỉnh thêm vì còn phụ thuộc vào diễn biến giá thế giới trong ngày hôm nay (18.1), song xu hướng giảm của giá xăng dầu trong nước là chắc chắn.

Ngày Mai (19.01) Giá Xăng Dầu Sẽ Giảm Bao Nhiêu
Giá xăng dầu sẽ giảm trong kỳ điều chỉnh sắp tới

Trên thị trường thế giới, giá dầu đã và đang giảm rất mạnh. Chỉ tính riêng tuần qua, giá dầu WTI của Mỹ đã mất 11,3%, còn dầu Brent giảm tới 14%. Có lúc, giá dầu Brent giảm xuống mốc hơn 28 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2.2004. Giá dầu WTI của Mỹ xuống hơn 29 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 11.2003. Tính từ tháng 7.2014, thời điểm thị trường dầu bắt đầu lao dốc cho tới nay, giá nhiên liệu này đã sụt giảm tổng cộng 72%. Đặc biệt, nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới còn tuyên bố giá dầu có thể xuống mức 20-25 USD/thùng trong ngắn hạn.

Như vậy, nếu đúng theo dự báo của các doanh nghiệp thì giá xăng dầu trong nước kỳ điều chỉnh này sẽ lại vẫn chỉ giảm “nhỏ giọt” dù mức giảm có thể lớn hơn kỳ điều hành trước. Lý do mà các cơ quan chức năng đưa ra vẫn sẽ là do giá dầu thô thế giới giảm mạnh hơn so với mức giảm của giá xăng dầu thành phẩm.

Lợi chưa nghiêng nhiều về dân


Một điều đáng nói là trong khi giá xăng dầu trong nước liên tiếp chỉ được giảm nhẹ thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại nhiều doanh nghiệp xăng dầu vẫn tiếp tục tăng lên qua các kỳ điều chỉnh và các doanh nghiệp trong ngành này đều công bố lãi lớn. Chỉ đơn cử, trong cơn bão giá dầu giảm, nhà máy lọc dầu Dung Quất (BRS-thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam-PVN) đã lãi gần 6.000 tỷ đồng trong năm qua dù trước đó doanh nghiệp này liên tục kêu khó. BSR đạt tổng doanh thu hợp nhất là 94.400 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm. Tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 94.100 tỷ đồng, cũng bằng 100% kế hoạch năm nhưng lợi nhuận đã đạt con số rất “khủng” là 5.690 tỷ đồng (vượt tới 52% kế hoạch).

Với nhiều quý công bố lãi liên tiếp, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng không “tránh khỏi” việc thu lãi lớn cộng thêm Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Tập đoàn này đang ngày càng “phình to” ra. Tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu lần đầu tiên trong năm 2016 (4.1.2016), Quỹ bình ổn giá xăng dầu của riêng tập đoàn này là 2.380 tỷ đồng, tăng mạnh so với 2.282 tỷ đồng trong lần công bố ước tồn Quỹ bình ổn tại Petrolimex thời điểm ngày 19.12.2015 (lần cuối cùng của năm). Tính trong 3 tháng qua, kể từ lần điều chỉnh ngày 19.8 năm ngoái, Quỹ bình ổn xăng dầu của Petrolimex đã tăng lên hơn 880 tỷ đồng.

Về phía Nhà nước, ngân sách cũng thu được nhiều thuế hơn khi các doanh nghiệp ngành xăng dầu đều làm ăn có lãi. Hiện tại, giá xăng dầu trong nước đang chịu hơn 40% thuế, phí. Trong đó, thuế nhập khẩu (20%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng... Tổng cộng các khoản thuế tương đương khoảng 42,8% giá bán lẻ xăng dầu.

Theo Báo Dân Việt
Ads By Kclick
Ads By Kclick Ads By Kclick