CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TỶ LỆ NGHỊCH VỚI CHI PHÍ
Năm 2013, Pháp có bốn trường đại học nằm trong Top 100 trường đại học tốt nhất thế giới do tờ The Guardian xếp hạng là: Université Paris-Sorbonne, École Polytechnique, Université Pierre et Marie Curie và Université Paris-Sud. Có thể nói, các trường đại học ở Pháp chưa bao giờ là “đàn em” trong cuộc đua nâng cao chất lượng giáo dục. Thế nhưng học phí lại ở mức rất thấp so với nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Các trường đại học công lập được chính phủ Pháp tài trợ. Đa phần các khóa học ở các trường công lập chỉ có học phí chỉ ở mức tượng trưng khoảng 14 triệu đồng/năm (tương đương 500 euro).
Tuy nhiên, bạn nào muốn học chương trình tiếng Anh thì chấp nhận học phí đắt hơn. Vì chính phủ Pháp không tài trợ cho những chương trình học tiếng Anh. Những chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh có mức học phí khoảng từ 140-224 triệu đồng/năm (5.000-8.000 euro).
Trường dân lập và trường công lập không phân biệt theo chất lượng đào tạo mà dựa trên cơ cấu tổ chức. Trường công lập được chính phủ tài trợ, và các trường dân lập hoạt động trên vốn xoay sở từ các doanh nghiệp đối tác và học phí từ sinh viên.
Hệ thống giáo dục của Pháp cũng tương tự như các nước khác trên thế giới, bao gồm các cấp bậc: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Đối với bậc đại học, sinh viên muốn nhập học ngay mà không qua khóa dự bị thì ngoài giấy chứng nhận trình độ tiếng Pháp (TCF, DELF B2, DALF), bạn phải nộp thêm giấy báo trúng tuyển đại học tại một trường ĐH bất kỳ ở VN. Các ngành học ở Pháp rất đa dạng, gần như bạn có thể tìm thấy ở Pháp những khóa học làm thỏa mãn bất kỳ yêu cầu nào của mình. Những ngành học mũi nhọn của giáo dục Pháp bao gồm: Các ngành về Kinh tế và Quản trị; Kỹ thuật Công nghệ cao; Nghệ thuật, Kiến trúc…
|
Hệ thống các trường đại học tại Pháp nổi tiếng bới tính phổ cập và học phí rẻ |
Ngoài học phí, chi phí sinh hoạt cũng là lo lắng của nhiều bạn du học sinh, nhất là ở các nước châu Âu. Tuy nhiên, Pháp cũng nổi tiếng là một trong những quốc gia “mạnh tay” trong việc hỗ trợ tài chính cho các sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên đến từ các nước đang phát triển. Pháp đứng thứ tư trên thế giới về tiếp nhận sinh viên nước ngoài. Hiện nay, có hơn 6.000 sinh viên ViệtNam đang theo học tại Pháp.
CUỘC SỐNG TRÀN NGẬP SẮC MÀU
Theo nhận định của nhiều bạn du học sinh, đời sống ở Pháp khá dễ chịu và thoải mái với hệ thống cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng phát triển. Chính vì vậy việc di chuyển từ nhà đến trường, hay đến các thành phố khác đều rất dễ dàng và nhanh chóng. Được mệnh danh là xứ sở của tình yêu, những con người ở đây có một điểm chung là lịch thiệp, duyên dáng, lãng mạn và đặc biệt là rất yêu nghệ thuật. Chính vì vậy nên từ xưa đất nước này đã là cái nôi văn hóa – nghệ thuật của cả châu Âu. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân nơi đây, từ kiến trúc cho đến những chi tiết nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Vậy nên cuộc sống của bạn ở Pháp sẽ tràn ngập những sắc màu và những trải nghiệm khó quên. Bước xuống một trạm tàu điện ngầm bất kỳ, bạn có thể bắt gặp một bức tranh tường mosaic rực rỡ, hay gặp những người hát rong ngoài đường đều là chuyện cơm bữa.
Khi đến Pháp, ngoài thủ đô Paris, bạn còn có rất nhiều sự lựa chọn khác như Nice, Bordeaux, Toulouse, Strasbourg, Nantes, Lyon… Mỗi thành phố có một nét đặc trưng riêng. Ngoài ra, Pháp là một trong những nước có đông sinh viên người Việt nhất. Vì vậy, hầu như ở bất kỳ thành phố nào bạn cũng có thể tìm được những chi hội sinh viên Việt sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ bạn trong mọi mặt của cuộc sống.
|
Pháp đứng thứ 4 trên thế giới về tiếp nhận sinh viên nước ngoài |
Tìm nhà ở luôn là vấn đề cần phải quan tâm rất nhiều trước khi đến Pháp, cho dù bạn du học tự túc hay được nhận học bổng. Ngay khi nhận được thư chấp nhận của trường, bạn cần liên lạc ngay với bộ phận phụ trách đời sống sinh viên hoặc bộ phận quan hệ quốc tế để hỏi về các thủ tục đăng ký phòng ở ký túc xá nhé. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên lạc với chi hội học sinh ViệtNamtại thành phố nơi bạn đến để được hỗ trợ thêm.
Pháp khá thoải mái trong việc cho phép các sinh viên đi làm thêm. Về mặt luật pháp, sinh viên được phép làm việc tối đa 964 giờ trong một năm mà không cần phải xin phép. Chính vì vậy nên việc làm thêm ngoài giờ học trở nên khá phổ biến với các bạn sinh viên. Không ít bạn với khả năng sắp xếp thời gian hợp lý đã có thể phần nào tự trang trải chi phí sinh hoạt của mình, hoặc để dành tiền để đi du lịch. Là sinh viên tại Pháp, bạn có thể kiếm thêm tiền bằng cách đi làm thêm. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn là không nên làm việc cùng lúc với học tập nếu muốn học thật tốt, nhất đối với các bạn sinh viên năm thứ nhất.
CHECKLIST TRƯỚC KHI DU HỌC
* Hồ sơ xin học bao gồm các giấy tờ sau:
– Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).
– Bảng điểm THPT và giấy báo trúng tuyển đại học ở ViệtNam.
– Bảng điểm và bằng tốt nghiệp đại học (với bậc học thạc sĩ).
– Giấy chứng nhận trình độ tiếng Pháp (TCF, DELF B2, DALF) hoặc tiếng Anh (IELTS, TOEFL).
– Hộ chiếu.
Một trong các chứng chỉ tiếng Pháp phổ biến nhất là TCF. TCF (Test de Connasissace du Fançais) là chứng chỉ bắt buộc đối với tất cả các học sinh muốn theo học các khóa học dạy bằng tiếng Pháp tại Pháp. Ở ViệtNam, các bạn có thể luyện thi TCF tại hai trung tâm là IDECAF (TP.HCM) và L’Espace (Hà Nội). Hạn cuối để đăng ký thi TCF là thứ năm cuối mỗi tháng, trước kỳ thi TCF một tháng.
Bạn sẽ được phỏng vấn với CampusFrance trước khi xin visa. Buổi phỏng vấn kéo dài 20 phút, nội dung phỏng vấn bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh tùy thuộc vào ngôn ngữ bạn theo học khi đến Pháp. Các câu hỏi xoay quanh những thông tin các nhân, quá trình học tập, làm việc và các dự định của bạn. Phần phỏng vấn này không khó, chỉ cần bạn thể hiện được động cơ tích cực của mình khi đi du học.
Các lưu ý khi xin Visa
– Giấy chứng minh tài chính: nên sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng có cấp chứng nhận bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Anh/Việt để làm chứng minh tài chính.
– Biên nhận đóng học phí.
– Giấy chứng nhận chỗ ở tại Pháp: Nếu có người bảo lãnh cho tạm trú, ngoài giấy chứng nhận cho tạm trú, các bạn cần nộp thêm bản sao giấy tờ sở hữu nhà hoặc hợp đồng thuê nhà, bản sao giấy tờ tùy thân của người bảo lãnh.
“KHỞI ĐỘNG” KHI ĐẾN PHÁP
– Mở một tài khoản ngân hàng: Để thuận lợi cho việc nhận một số loại học bổng hoặc để nhận tiền thù lao làm việc sinh viên khi đến Pháp.
– Xin trợ cấp nhà ở: Nước Pháp hỗ trợ sinh viên chi trả tiền nhà ở bằng một khoản hỗ trợ hằng tháng. Phải làm thủ tục xin trợ cấp với chính quyền địa phương nơi thành phố bạn ở ngay khi bạn có nhà ở.
– Mở một tài khoản internet, thuê bao điện thoại di động, thuê bao thẻ đi lại… để tiện sinh hoạt khi ở nước ngoài.
Những giấy tờ quan trọng này, bạn nên giữ gìn bản gốc cẩn thận, photo nhiều bản sao có công chứng để phòng khi chẳng may làm mất giấy tờ thì có thể làm lại được dễ dàng hơn.