Nợ Công Đe Doạ Kinh Tế Việt Nam 2014

(IkingExpress) - Trong tuần này, theo chương trình, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Xoay quanh những đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2014 và triển vọng kinh tế năm 2015, IkingExpress đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Bảo, Trưởng khoa Kinh tế, trường ĐH Kinh tế TP. HCM.

Nợ Công Đe Doạ Kinh Tế Việt Nam 2014
TS - Nguyễn Hoàng Bảo

Thưa, cá nhân ông có cảm nhận thế nào về nền kinh tế của Việt Nam, trong gần 10 tháng qua?

Sinh viên ra trường ngày càng khó tìm được việc làm. Nền kinh tế bị ngưng trệ. Các trung tâm thương mại bị trả lại mặt bằng. Các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Năng suất nền kinh tế giảm… Tất cả những điều đó thì bất cứ người dân nào cũng có thể thấy được chứ không cần tôi hay các chuyên gia kinh tế nghiên cứu. Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã 8 lần giảm giá nhưng nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng suy thoái.

Nguyên nhân của vấn đề này là do đâu, thưa ông?


Nguyên nhân khiến cho nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng như vậy là do chúng ta bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và chính sách vĩ mô chưa tốt.

Thứ nhất là chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất, kiềm chế lạm đã mất tác dụng.

Thứ hai là chính sách tài khóa, đầu tư công không hiệu quả trên nhiều mặt. Từ việc duyệt dự án đến thi công, kiểm tra, giám sát, hoàn công đều lỏng lẻo và chịu trách nhiệm tập thể nên hiệu quả không cao. Bộ máy hành chính cồng kềnh, hoạt động không hiệu quả. Chính phủ chi nhiều, đầu tư dàn trải và mang tính chất lấp đầy chứ không có trọng điểm. Tôi chưa thấy có quốc gia nào nhiều sân bay như Việt Nam. Các tỉnh miền Trung chỉ cách nhau vài chục phút chạy xe gắn máy nhưng mỗi tỉnh đều có một sân bay. Mỗi sân bay được xây dựng từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ 1 – 2 chuyến/ngày. Do đó, cần tái cấu trúc thu chi và rà soát lại lĩnh vực đầu tư công. Phải xác định rõ đầu tư ở đâu, ai chịu trách nhiệm, khả năng thu hồi vốn ra sao. 

Thứ ba là chính sách thương mại đang mất cân đối. Chúng ta có xuất khẩu được một số sản phẩm nhưng giá trị không cao như nông sản, khoáng sản thô và không đánh trúng thị trường chủ lực. Trong khi đó, nước ta lại nhập khẩu quá nhiều. Nhà nước còn lại can thiệp quá sâu vào thị trường, khiến nền kinh tế thị trường bị méo mó. Các mặt hàng như hàng không, xăng dầu, điện, nước… hoạt động không đúng theo cơ chế thị trường. 

Thứ tư là chính sách kiểm soát dòng lưu chuyển vốn của quốc gia chưa được thực hiện tốt. Chúng ta đang đi vay nợ quá nhiều. Nợ công đang de dọa an ninh kinh tế.

Tất cả những điều nêu trên khiến cho nhà nước không khai thác được sức mạnh của cộng đồng vào thị trường. Sức mạnh kinh tế trong nhân dân là rất lớn nhưng niềm tin đang bị lung lay nên không thể sử dụng được.

Theo ông, triển vọng kinh tế 2015 của nước ta có sáng sủa hơn?


Thông thường, biểu đồ kinh tế của các nước và của thế giới có hình chữ V hoặc W nhưng ở nước ta lại có hình thanh ngang. Nền kinh tế vẫn đang ì ạch. Như tôi đã nói, vấn đề mà chúng ta đang gặp phải chính là niềm tin. Chính phủ cần tạo ra môi trường đầu tư thật tốt, chính sách vĩ mô phải ổn định, bộ máy gọn nhẹ, giảm dần đầu tư công kém hiệu quả để lấy lại niềm tin trong nhân dân. Từ đó, người dân mới mạnh dạn đầu tư và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN. Doanh nghiệp các nước trong khu vực đã xác định được sản phẩm nào làm cho thị trường nội địa, sản phẩm nào xuất khẩu ra khu vực, sản phẩm nước nào sẽ cạnh tranh với hàng nội địa, khi 11 nước trong khu vực trở thành ngôi nhà chung. Người dân, doanh nghiệp ở một số nước đã được chính phủ của họ tập huấn thông tin rất kỹ càng. Do đó, họ có đầy đủ thông tin để khai thác thị trường. Trong khi đó, thông tin hiện tại của chúng ta cho người dân còn rất mù mờ. Đây là điều khiến tôi và các chuyên gia kinh tế cảm thấy lo ngại.

Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN THÀNH
Ads By Kclick
Ads By Kclick Ads By Kclick