8 Ghi Nhớ Khi Viết Bài Cho Trang Web

(IkingExpress) - Dẫn lời chia sẻ của cựu chủ biên chương trình Today - BBC, Rob Liddle nói bài cho web cần hấp dẫn độc giả từ tựa bài cho tới nội dung ngắn gọn và cách trình bày sống động.


Ảnh minh hoạ viết bài cho trang web
Ảnh minh hoạ viết bài cho trang web

1. Thu hút chú ý


Người đọc trên mạng vốn có tiếng là dễ đến dễ đi. Họ sẽ chỉ lướt qua trang web để tìm thông tin và nếu không tìm thấy điều họ muốn thì sẽ chuyển sang mục khác hay sang trang web khác luôn.

Vì thế, ta cần cho người đọc thấy ngay điều cần tìm ở phần mở đầu bài.

Hãy nghĩ về cách bạn muốn kể câu chuyện cho ai đó trong đám đông, ở nơi ồn ào – câu nói nào chuyển tải chuyện nhanh nhất?

Đấy chính là câu bạn cần dùng để mở bài cho bản tin trên trang Internet.

2. Tựa đề hấp dẫn


Người đọc chỉ lướt mắt nhìn qua trang chính để tìm thông tin.

Tựa đề hay phải cho họ biết ngay bài viết nói về chuyện gì khiến họ không thất vọng nếu bấm vào đó, nhưng cũng không được quá giản đơn mà phải khêu gợi trí tò mò, phải là thứ họ không đoán trước được.

3. Viết tin thật ngắn


Cần viết bài tin tức (news story) sao cho ngắn vì khác với đọc trên giấy, bài dài sẽ khó đọc trên màn hình máy vi tính hay trên điện thoại di động.

Bạn cũng không cần đưa vào quá nhiều nội dung giải thích bối cảnh trong bài vì những chi tiết đó thường đã có trong các bài bạn viết và đăng tải trước đây.

Vì thế chỉ cần đặt đường dẫn (links) giúp người đọc tìm lại bài cũ nếu họ cần thêm thông tin.

Nếu bài chứa đựng nhiều góc độ thì hãy chia thông tin thành các đoạn để người đọc dễ tìm kiếm và theo dõi.

4. Tạo câu chuyện sống động


Các loại hình báo chí khác có sẵn hình ảnh và âm thanh để truyền tải câu chuyện.

Nhưng với bài dạng văn bản trên trang mạng thì bạn phải tạo dựng một cách sinh động chuyện về các nhân vật trong bài, và dùng chính lời của họ để làm việc đó là cách hay nhất.

Ví dụ, hãy dùng những câu trích dẫn nhiều màu sắc và đừng ngại dùng những chi tiết nhỏ để câu chuyện sống động hơn.

5. Viết đi viết lại bài


Mục đích của chúng ta là kết nối với công chúng và trình bày điều muốn nói sao cho thật rõ ràng.

Hãy nhớ rằng mọi tác phẩm đều sẽ tốt hơn nếu được viết lại khi có thời gian – và đừng mong đợi rằng ai đó sẽ bỏ qua lỗi ngữ pháp hoặc sai sót chính tả.

Người đọc rất khó chịu khi nhìn thấy các lỗi đó và cho rằng nhà báo đã không làm tốt công việc của mình ngay từ phút đầu.

Độc giả cũng thường nhanh chóng chỉ ra cho chúng ta thấy lỗi ở đâu.

6. Trình bày bài


Làm báo mạng, bạn là người soạn bài và cũng thường chính là người quyết định về việc trình bày.

Viết ra một chuyện vô cùng hấp dẫn nhưng chỉ dùng dạng văn bản đầy ắp chữ thì dễ khiến người đọc chán nản mà bỏ đi.

Vì thế, hãy dùng hình ảnh ấn tượng, đồ họa, bản đồ, đăng cả các đoạn trích, khung số liệu… để bài viết của bạn hấp dẫn hơn.

7. Dùng nhiều loại media


Hãy thử nghĩ xem liệu viết chừng một nghìn từ có phải là cách tốt nhất để tường thuật trên trang web?

Nhiều khi dùng ảnh chụp, đoạn video hay đoạn âm thanh sẽ giúp cho bạn làm việc đó hay hơn.

Có những trường hợp bạn có thể lồng thuyết minh bằng âm thanh vào để minh họa cho bộ ảnh chụp, tạo thành sản phẩm audio slideshow trên trang mạng để gây tác động mạnh mẽ hơn tới độc giả, khán thính giả.

Đó chính là một trong những lợi thế của việc làm báo mạng--trang web cho phép bạn ghép lại và cùng trình bày nhiều loại hình truyền thông.

8. Học cách chọn tin hay


Bạn thử vào xem trang BBC News trên Internet và các trang tin nổi tiếng khác để xem họ xử lý bài viết về tin tức ra sao.

Hãy tìm những câu chuyện bạn nghĩ là được soạn tốt, trình bày hấp dẫn và xem cách làm của họ ra sao.

Cũng nên chú ý đến các mục như ‘bài đọc nhiều nhất’ để biết người đọc thường chú ý đến gì trên các trang web đó.

Có rất nhiều số liệu thống kê cho biết bài nào ăn khách, bài nào không. Bạn có thể học rất nhiều từ đó khi làm báo mạng.

(IkingExpress - chia sẻ từ BBC)

Ads By Kclick

0 Thêm Bình Luận " 8 Ghi Nhớ Khi Viết Bài Cho Trang Web "

Post a Comment

Ads By Kclick Ads By Kclick