4 Chia Sẻ - Học Sau Đại Học Tại Hàn Quốc

(IkingExpress) - Thông tin chia sẻ của một bạn là du học sinh tại Hàn Quốc và đã qua đây được 5 năm, bằng những kinh nghiệm cá nhân cũng như những thông tin từ bạn bè đang theo học bên này, mình xin chia sẻ một số ý để các bạn có dự định qua Hàn quốc học sau đại học tham khảo.



1. Về cơ bản thì nền khoa học của Hàn không kém gì các nước Âu-Mỹ.



 Tuy nhiên, về chiến lược phát triển thì khoa học của Hàn là đi từ khoa học ứng dụng về khoa học cơ bản (trong khi Âu-Mỹ thì đi từ cơ bản sang ứng dụng). Điều này thấy rõ khi các máy móc thiết bị trong phòng thí nghiệm phần lớn là họ mua từ nước ngoài về. Nhưng phải thừa nhận, về khoa học ứng dụng thì họ đã làm quá tốt.

Có lẽ vì sự khác biệt trong chiến lược phát triển khoa học nên khi tiếp xúc với các tiến sĩ được đào tạo trong nước cảm thấy có sự khác biệt so với những người đào tạo từ nước ngoài về. Mình không có con số cụ thể về số tiến sĩ của Hàn được đào tạo ở các nước Âu-Mỹ, tuy nhiên, dù đào tạo trong hay ngoài nước, họ đều được sang Âu-Mỹ làm việc hoặc học tập trong thời gian từ vài tháng tới một vài năm.



Du học sinh tại Hàn Quốc - Ảnh IkingExpress
Du học sinh tại Hàn Quốc

2. Về học bổng cho sinh viên học sau đại học. 


Có thể tạm chia thành các loại như: học bổng chính phủ, học bổng trường, học bổng của giáo sư và học bổng của một số công ty. Phần lớn sinh viên Việt Nam qua Hàn đều theo gói học bổng của giáo sư. Bên Hàn, giáo sư thường có khá nhiều dự án từ chính phủ hoặc từ các công ty. Để thực hiện các dự án đó, giáo sư cần các sinh viên làm trong phòng thí nghiệm của mình. Theo mình thì việc giáo sư trả tiền cho sinh viên chỉ là tiền trợ cấp thôi chứ không được gọi là tiền lương.

Sinh viên học thạc sĩ thì nhận khoảng 500$/1 tháng, học tiến sĩ thì khoảng 800-1000$/1 tháng. Có giáo sư thì trả toàn bộ tiền ký túc, học phí nên cho sinh viên ít tiền hơn, và ngược lại, có giáo sư thì để cho sinh viên quyền tự quyết, thì cho nhiều tiền hơn. Giáo sư thường kê khai trên trường là trợ cấp cho sinh viên khoảng 1000$/1 tháng, trong khi đó ông yêu cầu sinh viên làm thêm một tài khoản ngân hàng khác và chỉ cho khoảng vài trăm $. Đây là cách phổ biến giáo sư hay làm để chặn bớt tiền sinh viên. Nói chung, với gói học bổng giáo sư thì sinh viên chỉ đủ sinh hoạt và học hành bên này, nếu mang theo vợ (chồng) con… thì có lẽ không đủ sống.

3. Về thời gian làm việc.


 Làm việc chăm chỉ đã ăn vào máu của người Hàn. Sẽ không có gì bất ngờ khi 2-3h sáng vẫn còn rất nhiều lab, văn phòng đang sáng đèn. Sinh viên Hàn (phần lớn) họ cũng rất chăm chỉ, có nhiều người ăn, ngủ tại lab luôn. Gần đây chính những người Hàn kêu gọi họ bớt giờ làm việc đi, ví dụ như họ kêu gọi tắt điện các văn phòng trước 9h tối, hay ngay cơ quan mình, các buổi chiều thứ 4 lúc 6h đều có bản nhạc của các em bé rộn rã gọi bố về với mình... thế nên, nếu sang Hàn các bạn đừng sốc khi giáo sư yêu cầu các sinh viên ở lab tới 11~12 P.M, hay lên lab làm việc cả ngày thứ 7. Đó mới là vấn đề thời gian yêu cầu ở lab, còn đôi khi trong thời gian đó bạn làm gì thì tuỳ bạn. Nhưng theo tôi nghĩ, đối với công việc nghiên cứu thì thông minh không quan trọng bằng chăm chỉ. Chỉ có làm thật nhiều thì mới tìm được những cái mới và đôi khi có cả sự may mắn sẽ mỉm cười.

4. Về điều kiện tốt nghiệp tiến sĩ.


 Có những bạn thắc mắc là bên Âu-Mỹ chỉ cần 1-2 bài SCI (Danh mục trích dẫn khoa học), sao bên Hàn có khi yêu cầu tới 4-5 bài? Nói chung, sự tốt nghiệp của sinh viên ở Hàn Quốc do giáo sư quyết định. Nhà trường cũng có những yêu cầu tối thiểu, nhưng yêu cầu phía nhà trường thường không cao. Giáo sư thường lấy tiêu chuẩn tốt nghiệp là số bài báo SCI (tuỳ giáo, có giáo cần tới 4-5 bài, nhưng cũng có giáo chỉ cần 1-2 bài có thể cho tốt nghiệp). Thời gian gần đây, do sự gia tăng số lượng tạp chí SCI(E) nên để có một bài báo SCI(E) trở nên dễ hơn, do đó một số giáo còn dùng tiêu chuẩn tổng IF để ép sinh viên publish các journal tốt hơn, hoặc phải có nhiều đầu báo hơn.

Đối với một số giáo sư, sinh viên có thể tốt nghiệp tiến sĩ sau 2 năm học (nếu như có nhiều bài báo tốt), tuy nhiên, điều này không phải dễ dàng vì khi sang Hàn cần ít nhất nửa năm để làm quen cuộc sống, phong cách, thiết bị máy móc… và khi một bài báo từ lúc chuẩn bị, viết, kiểm tra, gửi đi tới lúc được chấp nhận thì cũng mất vài tháng, thậm chí là cả năm rồi. Bên Hàn việc học trên lớp không quan trọng lắm, nhưng rào cản đăng các bài SCI là nỗi sợ lớn nhất đối với các nghiên cứu sinh.

Âu-Mỹ đều là những nơi có nền khoa học phát triển lâu đời, con người nơi đó sống thiên về hưởng thụ nhiều hơn nên bạn có thể làm việc ít giờ mà vẫn tốt nghiệp được sớm. Ở Châu Âu, bạn có thể dễ dàng đi du lịch hết nước này tới nước khác, tha hồ khám phá cuộc sống, còn ở Hàn, suốt ngày lúi húi phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó! Theo tôi, Hàn Quốc không phải một lựa chọn tồi cho các sinh viên Việt Nam sang theo học sau đại học.

Jonhllee Hoàng - Boy88
Korea Institute of Materials Science

boy88.hut@gmail.com

Ads By Kclick

0 Thêm Bình Luận " 4 Chia Sẻ - Học Sau Đại Học Tại Hàn Quốc "

Post a Comment

Ads By Kclick Ads By Kclick