Câu chuyện những cậu cử, cô cử không có việc làm đúng ngành nghề đào tạo, phải chấp nhận đi làm đủ thứ việc là chuyện không mới.
Tờ Tuổi trẻ đưa tin, tại một quán ăn ở Q.9, Huỳnh Thị Thúy Hằng, nhân viên tiếp thị cho một hãng bia, đã tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng.
Hằng cho biết sau khi tốt nghiệp năm 2013, Hằng gửi hồ sơ ở nhiều nơi nhưng không xin được việc. Hằng đành làm tạm nhân viên tiếp thị bia một thời gian.
Tương tự như Hằng, Nguyễn Thị Minh Thùy tốt nghiệp CĐ ngành quản trị kinh doanh, không xin được việc làm đúng chuyên ngành, hàng đêm Thùy cũng đi làm tiếp thị bia.
Không ít cử nhân thất nghiệp đã phải chọn công việc tạm thời là phụ bàn, bán hàng... để mưu sinh |
Những ví dụ này không quá bất ngờ bởi trước đó Bộ LĐ-TB-XH khi ra mắt bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 1, quý 1/2014 đã công bố tỷ lệ thất nghiệp cao rơi vào những người có trình độ chuyên môn.
Trong đó, thanh niên từ 20 - 24 tuổi tốt nghiệp CĐ - ĐH trở lên thất nghiệp tới 20,75%. Đặc biệt, có hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với cuối năm 2012.
Theo đó nhiều trường hợp chấp nhận đi làm phụ bàn, bảo vệ... nhưng có trường hợp lại tìm cách học nâng cao bằng cấp của mình.
Theo Ban Đào tạo sau đại học (ĐH Đà Nẵng), những năm gần đây xu hướng sinh viên mới tốt nghiệp ĐH đăng ký học luôn thạc sĩ rất nhiều. Phần vì muốn nâng cao bằng cấp, kiến thức, phần vì chưa có việc làm ổn định.
Nhiều trường ĐH dân lập đăng ký đào tạo sau đại học, mở thêm hàng loạt mã ngành theo nhu cầu đào tạo, sử dụng, khiến số lượng thạc sĩ tốt nghiệp mỗi năm là con số không hề nhỏ.
Tuy nhiên hiện không ít nhà tuyển dụng ngần ngại sử dụng bằng cấp cao vì liên quan hệ số lương thưởng. Thực tế này khiến nhiều thạc sĩ ra trường gặp khó khi xin việc và tiếp tục theo vòng luẩn quẩn đào tạo - thất nghiệp - đào tạo.
Do đó giới chuyên môn cho rằng cần phải cân đối lại nhu cầu thực sự để tránh tình trạng lãng phí nguồn lực như hiện nay.
0 Thêm Bình Luận " Tỉ lệ thất nghiệp báo động Cử nhân làm bồi bàn "
Post a Comment