Biến cố chính trị Thái Lan diễn ra thế nào

(IkingExpress) - Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 6 tháng dẫn tới đảo chính ở Thái Lan bắt nguồn từ một dự luật ân xá chính trị nhằm mở đường cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra về nước.


Tháng 11/2013: Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra trình dự luật ân xá chính trị, đề nghị xóa tội cho những chính trị gia và những người có hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan từ năm 2004 – 2013. Theo các nhà phân tích, nó có thể mở đường cho sự hồi hương của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.




Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: AP
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: AP

Tuy nhiên, theo BBC, dự luật này bị đảng Dân chủ và những người ủng hộ chính phủ, phe Áo Đỏ, phản đối, dẫn tới quyết định bác bỏ của Thượng viện Thái Lan dù Hạ viện đã thông qua. Không chỉ thất bại, dự thảo luật ân xá chính trị còn thổi bùng những cuộc biểu tình phản đối do đảng Dân chủ phát động. Ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu cuộc biểu tình nhằm lật đổ ảnh hưởng của gia đình Shinawatra.
Tháng 12/2013: Nhằm đối phó với áp lực ngày càng lớn do phe đối lập, Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện, ấn định tổ chức tổng tuyển cử sớm trong tháng 2/2014. Tuy nhiên, bà Yingluck không chấp thuận từ chức theo yêu sách của những người phản đối chính phủ. Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban khẳng định, việc thủ tướng giải tán quốc hội hay từ chức chưa đủ để kết thúc biểu tình. Ông muốn thành lập “Hội đồng Nhân dân”, “Chính phủ Nhân dân” và kết thúc sự ảnh hưởng của gia đình Shinawatra.
Cùng thời điểm, cựu thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập bị truy tố vì tội giết người vì cáo buộc liên quan tới các hoạt động trấn áp đẫm máu người biểu tình thuộc phe Áo đỏ năm 2010. Ông Abhisit bác bỏ mọi cáo buộc và nộp khoản tiền bảo lãnh 1,8 triệu baht (56.000 USD) để đổi lại tự do.
Tháng 1/2014: Bất ổn tiếp tục leo thang ở Thái Lan do phe đối lập gia tăng các hoạt động chống chính phủ. 9 người chết và nhiều người bị thương buộc chính phủ Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp kéo 60 ngày, bắt đầu từ ngày 22/1. Trong khi đó, người biểu tình sử dụng vũ lực ngăn chặn nỗ lực chuẩn bị bỏ phiếu của chính phủ Thái Lan.

Ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu cuộc biểu tình nhằm lật đổ ảnh hưởng của gia đình Shinawatra
Ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu cuộc biểu tình nhằm lật đổ ảnh hưởng của gia đình Shinawatra. Ảnh: AP
Trong những ngày cuối tháng 1/2014, một lãnh đạo của phe biểu tình bị bắn chết. Những người chống chính phủ bao vây các điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước, ngăn quan chức bầu cử vào các phòng phiếu. Khoảng 440.000 cử tri trên đất nước Thái Lan không thể tiếp cận các địa điểm bỏ phiếu.
Tháng 2/2014: Chính phủ Thái Lan nỗ lực tổ chức tổng tuyển cử hôm 2/2 theo kế hoạch. Ngày 4/2, phe đối lập tuyên bố tiến hành các thủ tục pháp lý nhằm vô hiệu hóa cuộc bầu cử 2 ngày trước đó. Theo số liệu sơ bộ công bố ngày 3/2, bầu cử bị hủy bỏ ở 9/77 tỉnh, 67 trong tổng số 375 điểm bỏ phiếu bị gián đoạn. Số cử tri đi bỏ phiếu ở các tỉnh chỉ đạt 46%.
Toàn án Hiến pháp Thái Lan bác yêu cầu của đảng đối lập đòi hủy bỏ kết quả Tổng tuyển cử ngày 2/2 với chiến thắng thuộc về chính quyền của Thủ tướng Yingluck.
Biểu tình vẫn tiếp diễn. Họ yêu cầu bà Yingluck từ nhiệm để nhường chỗ cho một “Hội đồng nhân dân” được chỉ định thay vì bầu cử trước khi tiến hành tổng tuyển cử.
Tháng 3/2014: Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết hủy bỏ kết quả tổng tuyển cử ngày 2/2 do kết luận nó vi phạm hiến pháp vì cử tri không đi bỏ phiếu trong cùng một ngày. Trong khi đó, phe đối lập tiếp tục tuyên bố tẩy chay cuộc Tổng tuyển cử khác nếu bà Yingluck còn tại vị. Những người chống chính phủ tiếp tục gây áp lực với chính quyền của bà Yingluck. Thái Lan ngừng ban bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok.
Tháng 4/2014: Phe Áo đỏ lên kế hoạch tuần hành ủng hộ chính phủ của bà Yingluck. Tòa án Thái Lan phát lệnh truy nã một thủ lĩnh phe Áo Đỏ. Trước áp lực biểu tình, bà Yingluck tuyên bố sẵn sàng từ chức. Cùng tháng, Thủ tướng lâm thời Yingluck và Ủy ban Bầu cử (ETC) đã đạt thỏa thuận tổ chức bầu cử vào ngày 20/7.

Tháng 5/2014: Hoạt động phản đối chính phủ của phe đối lập lên tới đỉnh điểm. Bà Yingluck bị tòa án Hiến pháp buộc tội vi hiến vì cáo buộc lạm quyền. Sự ra đi của bà không khiến tình hình Thái Lan trở nên yên ổn. Lãnh đạo phe biểu tình, ông Suthep, tiếp tục kêu gọi tuần hành đòi thành lập một Hội đồng Nhân dân trước bầu cử.

Binh sĩ Thái Lan ở thủ đô Bangkok
Binh sĩ Thái Lan ở thủ đô Bangkok. Ảnh: Reuters
Trước những diễn biến ngày càng leo thang, quân đội Thái Lan quyên bố thiết quân luật ngày 20/5. Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha triệu tập đại diện của các đảng phái chính trị, nghị sĩ và thành viên Ủy ban bầu cử Thái Lan nhằm giải quyết tình hình bất ổn. Hai ngày sau, quân đội Thái Lan tuyên bố giành quyền kiểm soát chính phủ khi đại diện các đảng phái không tìm được tiếng nói chung. Đây là cuộc đảo chính thứ 12 ở Thái Lan kể từ năm 1932.

Ads By Kclick

0 Thêm Bình Luận " Biến cố chính trị Thái Lan diễn ra thế nào "

Post a Comment

Ads By Kclick Ads By Kclick